Thông tư 07/2019/TT-BGDĐT tiêu chuẩn chức danh và lương giáo vụ trường chuyên, trường nội trú


Thông tư 07/2019/TT-BGDĐT tiêu chuẩn chức danh và lương giáo vụ trường chuyên, trường nội trú

Thông tư 07/2019/TT-BGDĐT tiêu chuẩn chức danh và lương giáo vụ trường chuyên, trường nội trú sẽ được chúng tôi chia sẻ trong bài viết này. Qua bài viết này chúng ta sẽ nắm được tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp ;ương theo nghề nghiệp chính xác nhất. Cùng theo dõi nha!

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
——-

Số: 07/2019/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ XẾP LƯƠNG NHÂN VIÊN GIÁO VỤ TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ; TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN; TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC VÀ TRƯỜNG DÀNH CHO NGƯỜI KHUYT TẬT CÔNG LẬP

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dụcngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương nhân viên giáo vụ trong trường phổ thông dân tộc nội trú; trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương nhân viên giáo vụ trong trường phổ thông dân tộc nội trú (cấp huyện và cấp tỉnh); trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập.

2. Thông tư này áp dụng đối với nhân viên giáo vụ trong trường phổ thông dân tộc nội trú (cấp huyện và cấp tỉnh); trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập.

Điều 2. Mã số chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ

Nhân viên giáo vụ – Mã số: V.07.07.21

Chương II. TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP, BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Điều 3. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ

1. Nhiệm vụ

a) Lập kế hoạch công tác giáo vụ hàng năm của nhà trường;

b) Quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách của nhà trường liên quan đến học sinh;

c) Phối hợp với giáo viên quản lý, theo dõi học sinh hàng ngày;

d) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổng hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến việc thi, kiểm tra (bao gồm: Lập danh sách các phòng thi, sơ đồ chỗ ngồi, tổng hợp kết quả thi…);

e) Thực hiện công tác tuyển sinh theo nhiệm vụ được phân công;

g) Liên hệ, trao đổi và thông tin với gia đình học sinh khi cần thiết;

h) Lập báo cáo định kỳ, thường xuyên về công tác giáo vụ;

i) Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng trau dồi đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ;

k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

a) Chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của ngành;

b) Trung thực, khách quan, có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của cán bộ viên chức; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh;

c) Thực thi nhiệm vụ theo đúng quy chế, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm giáo vụ) trở lên;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc đối với những địa phương yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ.

4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục cấp học đang công tác;

b) Thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chương trình giáo dục của nhà trường;

c) Có năng lực quản lý hồ sơ của nhà trường liên quan đến học sinh;

d) Có kỹ năng theo dõi, quản lý và hỗ trợ học sinh;

đ) Có kỹ năng phối hợp tổ chức thi, kiểm tra của nhà trường;

e) Có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc;

g) Có kỹ năng giao tiếp với giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong thực thi nhiệm vụ.

Điều 4. Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên giáo vụ

1. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên giáo vụ quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ của viên chức.

2. Khi bổ nhiệm từ các ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ không được kết hợp nâng bậc lương viên chức.

Điều 5. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ (mã số V.07.07.21) đối với viên chức được tuyển dụng hoặc đang làm công tác giáo vụ trong các trường trường phổ thông dân tộc nội trú (cấp huyện và cấp tỉnh); trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập, đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Điều 6. Cách xếp lương

1. Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ (mã số V.07.07.21) quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 tại bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP).

2. Việc xếp lương thực hiện như sau:

a) Trường hợp có trình độ cao đẳng trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm nhân viên giáo vụ thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ, nếu đang xếp lương theo viên chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì tiếp tục xếp lương theo viên chức loại A0 đó;

b) Trường hợp đang xếp lương theo viên chức loại A1 trở lên hoặc theo viên chức loại B thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Chương III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân viên giáo vụ trong trường phổ thông dân tộc nội trú (cấp huyện và cấp tỉnh); trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập.

2. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được vận dụng quy định tại Thông tư này để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân viên giáo vụ tại cơ sở.

3. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập trực tiếp quản lý và sử dụng viên chức có trách nhiệm:

a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;

b) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ trong cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp, ủy quyền sau khi phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với nhân viên giáo vụ;

b) Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý từ ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ quy định tại Thông tư này; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương;

c) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức thuộc diện quản lý vào chức danh nghề nghiệp nhân viên giáo vụ theo thẩm quyền;

d) Báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với nhân viên giáo vụ thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 6 năm 2019

2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.

Nơi nhận:
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Quốc hội;
– Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– Bộ trưởng;
– Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
– Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo;
– Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
– Như Điều 8 (để thực hiện);
– Công báo;
– Website của Chính phủ;
– Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Lưu: VT, Vụ PC, Cục NGCBQLGD (10 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Hữu Độ

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến các bạn Thông tư 07/2019/TT-BGDĐT tiêu chuẩn chức danh và lương giáo vụ trường chuyên, trường nội trú đầy đủ. Qua bài viết này các bạn sẽ có thêm những hiểu biết cơ bản nhất. Cảm ơn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi nhé!

Giáo Dục – Tags: Thông tư 07/2019/TT-BGDĐT

  • Nghị định số 75/2006/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục

  • Tải ngay Thông tư 11/2016/TT-BGDĐT về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ

  • Quyết Định 549/QĐ-TTG về việc phê duyệt đề án tổng thể xây dựng trường Luật HN và trường Đại học Luật HCM

  • Thông báo 145/TB-BGDĐT về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị giao ban dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

  • Thông Tư 28/2017/TT-BGDĐT quy định về xét thăng hạng chức danh của giáo viên mầm non, phổ thông công lập

  • Thông tư 38/2017/TT-BLĐTBXH về bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy sơ cấp

  • Quyết định 2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội